NHỘN NHỊP SẢN XUẤT LẠP XƯỞNG
Khu vực sản xuất lạp xưởng nằm cạnh phà Mỹ Lợi thuộc xã Bình Đông (TX. Gò Công) nhộn nhịp hẳn lên vào những ngày cuối năm. Lạp xưởng Bình Đông là sản phẩm truyền thống đã được nhiều nơi biết đến. Mỗi khi tết đến, xuân về, lạp xưởng Bình Đông được nhiều người dùng làm món ăn, làm quà biếu tết.
Nắm bắt được nhu cầu tăng cao vào dịp tết, các cơ sở sản xuất lạp xưởng ở Bình Đông đang hối hả bước vào mùa sản xuất chính. Chị Ung Thị Mỹ Mạnh (Cơ sở sản xuất lạp xưởng Kim Anh), ấp Trí Đồ, xã Bình Đông cho biết, gia đình làm nghề này đã mấy chục năm. Lúc đầu, sản lượng lạp xưởng làm ra không nhiều nhưng dần tăng lên do nhu cầu tiêu thụ tăng. Giai đoạn bình thường, cách vài ngày cơ sở mới sản xuất khoảng 100 - 200 kg thành phẩm để bán nhưng đến đợt tết sản lượng sản xuất tăng lên gấp nhiều lần.
“Từ tháng Chạp trở đi, cơ sở sản xuất mỗi ngày. Cũng như mọi năm, hiện giờ cơ sở của chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu để bắt tay vào sản xuất đợt tết từ đầu tháng Chạp tới để phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm”- chị Ung Thị Mỹ Hạnh cho biết.
Theo một số hộ làm lạp xưởng nơi đây, mấy năm nay tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ lạp xưởng có xu hướng tăng, nên nhiều khả năng việc tiêu thụ năm nay cũng sẽ khả quan. Bà Trần Thị Bạc, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Ba Hùng, có hơn 20 năm làm lạp xưởng cho biết, với nhiều năm sống với nghề, cơ sở sản xuất lạp xưởng của bà hoạt động quanh năm nhưng tập trung sản xuất mạnh nhất vào mùa tết. Mùa tết bắt đầu từ đầu tháng Chạp đến tận những ngày giáp tết.
Lúc bình thường trung bình từ 2 - 3 ngày cơ sở mới sản xuất lạp xưởng một lần, với khoảng 100 kg thành phẩm. Nhưng vài ngày tới, cơ sở sẽ tăng số lượng lên khoảng 100 - 200 kg thành phẩm mỗi ngày. Đặc biệt là từ đầu tháng Chạp và nhất là từ rằm tháng Chạp đến tết, cơ sở sản xuất khoảng 500 kg lạp xưởng thành phẩm/ngày.
“Ước tính cả đợt tết, cơ sở của tôi sản xuất hơn 10 tấn lạp xưởng. Hiện nay, nhiều nơi ở trong và ngoài tỉnh đã gọi điện đến đặt hàng tết và sẽ tăng mạnh vào những ngày tới - bà Bạc cho biết.
Nghề làm lạp xưởng ở Bình Đông được hình thành hàng chục năm nay và sản phẩm đã được nhiều nơi ưa chuộng nhờ chất lượng thơm, ngon. Sở dĩ lạp xưởng ở đây được nhiều nơi khác ưa chuộng là do được làm hoàn toàn bằng thịt chứ không phải mỡ như những nơi khác, lại được phơi bằng ánh nắng tự nhiên, không dùng phẩm màu, hóa chất nên rất ngon.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông (TX. Gò Công) cho biết, trên địa bàn xã có 4 cơ sở sản xuất lạp xưởng có đăng ký và một số cơ sở sản xuất nhỏ khác. Những cơ sở này sản xuất quanh năm nhưng mùa tết sản lượng tăng lên rất nhiều. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của lạp xưởng Bình Đông ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Sản xuất bánh in.
NHỮNG SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG
TX. Gò Công còn có một đặc sản nổi tiếng khác được nhiều người biết đến và dùng làm món quà biếu cho khách phương xa rất ý nghĩa là mắm tôm chà. Lâu nay, mắm tôm chà Gò Công đã khẳng định thương hiệu và được rất nhiều nơi ưa chuộng. Trong những ngày tết, mắm tôm chà sẽ là món ăn dân dã đãi khách rất khó quên hay làm quà của xứ biển Gò Công rất có ý nghĩa dành cho các vị khách phương xa, khách du lịch đến xứ Gò.
Mắm tôm chà Kim Sa (phường 2, TX. Gò Công) là một thương hiệu nổi tiếng bật nhất ở vùng này. Để phục vụ cho tết, ngay từ những ngày này, cơ sở đang tất bật sản xuất. Cũng như mọi năm, thông thường mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 1 tấn mắm bán ra thị trường.
Để phục vụ nhu cầu thị trường tết tăng cao, cơ sở mắm tôm chà Kim Sa tập trung gia tăng sản lượng lên, dự kiến đạt khoảng 3 tấn thành phẩm. Ông Cao Văn Hổ, chủ cơ sở cho biết, công việc chuẩn bị hàng tết đã được bắt đầu từ nhiều ngày nay.
Ngoài mắm tôm chà, cơ sở còn sản xuất mắm ruốc, mắm cá cơm, mắm chua, mỗi thứ chuẩn bị 1 tấn. Theo ông Cao Văn Hổ, những ngày qua, lượng tiêu thụ mắm tôm chà đã bắt đầu tăng và sẽ tăng mạnh từ đầu tháng Chạp trở đi.
Nhắc đến những đặc sản xứ Gò, nhất là thực phẩm phục vụ Tết không thể không nhắc đến bánh in, một loại đặc sản gần như chỉ có ở xứ Gò và chỉ phục vụ cho ngày tết. Thời gian đang trôi dần về những ngày cuối năm, trên các sạp tạp hóa, tiệm lớn nhỏ trong vùng đều trưng bày những cây bánh in được bọc bằng giấy đỏ au.
Phong tục của người xứ Gò lâu nay là trong những ngày tết, trên bàn thờ tổ tiên hay vị trí trang trọng giữa nhà thường là nơi để đặt những cây bánh in. Mọi người còn dùng bánh in để đi tết ông bà. Vào thời điểm này, tại các cơ sở sản xuất, nhân công đang tất bật làm ra những cây bánh đặc trưng cho ngày tết kịp đưa đến tay người tiêu dùng.
Chủ cơ sở làm bánh in Tứ Thuận ở đường Võ Duy Linh (khu phố 4, phường 1, TX. Gò Công) cho biết, nghề làm bánh in tết bắt đầu từ đầu tháng cho đến 26 tháng Chạp. Làm bánh in không khó, nhưng để có cái bánh vừa cứng, vừa dẻo, khi bỏ vào miệng tan ra mà không dính lại mới là bí quyết.
“Bánh in của cơ sở chủ yếu tiêu thụ ở khu vực thị xã và các vùng xung quanh. Trung bình mỗi mùa tết, cơ sở Tứ Thuận sử dụng khoảng 5 tấn đường và 5 tấn bột. Ngoài Tứ Thuận, TX. Gò Công còn có các lò bánh in lâu đời và cũng khá nổi tiếng như cơ sở sản xuất bánh in Minh Tân…” - Chủ cơ sở Tứ Thuận cho biết.
PHƯƠNG ANH - NGÔ VĂN
nguồn: http://baoapbac.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét